NHỮNG QUAN NIỆM CHỦ YẾU
Phong thuỷ trong xây dựng là một quan niệm nhằm xem xét đánh giá cảnh quan để xác định tối ưu địa điểm một công trình kiến trúc.
Phong thuỷ đã xuất hiện từ rất sớm, ngay từ buổi sơ khai các nhà phong thuỷ cổ đại đã đề cập đến các nguyên tắc “tránh hư, trọng thực” trong xây dựng kiến trúc.
Những luận điểm chính vẫn còn tồn tại đến ngày nay và rất nhiều điều mang tính khoa học vẫn được áp dung trong thực tiễn.

TRÁNH HƯ
– Nhà lớn hơn nhu cầu sử dụng
– Cổng bề thế hơn nhà chính
– Sân không bằng phẳng, tường không kín đáo
– Giếng ăn không phù hợp
– Đất rộng, sân to mà nhà nhỏ bé
TRỌNG THỰC
– Nhà vừa phải, người không đông
– Nhà to, cổng nhỏ
– Nhà nhỏ nhưng nhiều gia cầm
– Nhà có sân rộng, tường rào cao
– Có đường thoát nước tốt
Xem thế đủ thấy rằng thuyết phong thuỷ từ xa xưa đã đề cập đến những vấn đề hết sức khoa học, thực tế và không phải là không còn giá trị trong cuộc sống hiện đại.
Ngày nay chúng ta nghiên cứu phong thuỷ trên quan điểm khoa học, những gì là yếu tố mơ hồ, vô căn cứ cần phải được loại bỏ.
Phong thuỷ được định nghĩa “Cao nhất thốn vi sơn, đệ nhất thốn vi thuỷ”, có nghĩa cao hơn 1 tấc đã là núi, thấp xuống 1 tấc đã là nước.
Ở đâu có sự tương quan, chênh mực về cao độ thì ở đó có ngay sơn thuỷ, nói cách khác là có sự vận động của khí. Khí là năng lượng chính của vũ trụ.
Nếu ngôi nhà hướng ra một địa thế đẹp, thoáng mát, luồng khí sẽ mang lại sinh lực:
- Dòng Khí luân chuyển quá nhanh sẽ gây nên sự xáo trộn và cảm giác tức giận, nóng nẩy hay sợ hãi.
- Nếu quá chậm, dòng Khí tù túng sẽ gây trì trệ, thiếu sinh khí, chán nản.
- Dòng Khí phải được lưu thông tốt, không để tình trạng chặn đường, hoặc dòng Khí chính trong nhà bị cụt, không có hướng thoát.
CÁC YẾU TỐ NGOẠI CẢNH
Công việc chính của người thầy địa lý phong thuỷ ngày xưa gồm 3 công đoạn:
– Tầm long ( đi tìm đất )
– Điểm huyệt (chọn vị trí trung tâm để xây dựng )
– Lập hướng ( xác định hướng không gian chủ đạo của công trình )

Việc chọn đất được xác định rất kỹ. Có những nguyên tắc của việc chọn đất đai như “sơn thuỷ tụ hội” (các dòng nước và núi non đều quy tụ về)
Hay “dương cơ ái hồ” (nặng bên trái Bạch Hổ mà nhẹ bên phải Thanh Long). Bên phải cần có đất là bên cao hơn, bên trái cần có nước là bên thấp hơn.
Người xưa cho rằng khí ngưng đọng là vì núi, khí tan là vì nước. Sơn thuỷ (núi sông) suy cho cùng đều là khí. Thuỷ sơn phải bắt nguồn từ sơn.
Nơi tận cùng của sơn, tất phải dựa vào thuỷ. Sơn, thuỷ chính là biểu hiện hư, thực của khí, là hai hình thức tồn tại khác nhau của vật chất.
HƯỚNG
Hướng Nam được coi là Chu Tước (chim Phượng Hoàng), màu đỏ, tượng trưng cho mùa hè, gặp nhiều may mắn.
Hướng Bắc được coi là Hắc Quy (Rùa đen), màu đen, tượng trưng cho mùa đông. Luồng khí mang tính êm dịu và mát mẻ
Hướng Tây được coi là Bạch Hổ (Hổ trắng), màu trắng. Dòng Khí mang tính hỗn loạn.
Hướng Đông được coi là Thanh Long (Rồng xanh), màu xanh. Dòng Khí có tính chở che, mang lại trí tuệ và sự tu dưỡng.
Ngôi nhà lý tưởng nằm ở vị trí mà:
- Phía Tây có đồi thấp để ngăn chặn bớt sức mạnh của Bạch Hổ
- Các đồi ở hướng Đông dốc thoải để tạo hướng cho luồng Khí tốt thổi tới
- Phía Nam cần có không gian thoáng đãng, bằng phẳng, có dòng suối nhỏ chảy quanh càng tốt, sẽ tạo được sự kích thích luồng sinh khí.
- Phía Bắc cần có núi cao, để phù hợp sự nuôi dưỡng, che chở.
Đặc biệt nên quan tâm đến thuỷ cảnh “nước”:
- Dòng nước đẹp hướng về cửa (tứ thuỷ triều môn) chủ nhà phát tài.
- Dòng nước gần như cắt trước cửa (cân thuỷ cát môn) gia đình sống không yên ổn.
- Dòng nước chảy thẳng vào trước cửa (thuỷ trực xung môn) điều dữ luôn xảy đến.
Chú ý những hồ lớn, ngay sát cửa nhà dễ gây hại cho sức khoẻ, vì những ngày mưa nắng bất thường, hơi nước ngùn ngụt bốc lên xộc thẳng vào nhà.
Hồ càng lớn, nhà càng nên làm cách xa. Trong trường hợp phải xây nhà sát hồ lớn, nên trồng hàng cây cao chắn phía trước để ngăn dòng khí bớt mạnh, hạn chế cái “hung” của thuỷ.

Phong thuỷ cũng cho rằng làm nhà mà lấp ao hồ thì khó giữ được lâu dài, dễ sinh hiểm họa.
Nhìn trên góc độ khoa học, có thể thấy rằng hồ nước là yếu tố làm nên cân bằng môi trường sinh thái. Phá vỡ sự cân bằng ấy sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
Hơn nữa, nhà làm trên ao hồ thường có nền đất yếu, lấp vội vàng, không đúng quy trình kỹ thuật, xử lý móng không tốt dễ gây lún lệch, nguy hiểm cho con người.
Nhà làm gần những khu vực không tốt như nghĩa địa, hay khu đất hoang hoá, rác rưởi, có nhiều ám khí. Cần dùng hàng cây để ngăn chặn hoặc xây tường rào cao. Trước cửa treo một tấm gương nhỏ hình bát giác để phản chiếu xua đuổi tà khí.
Cây cối tươi tốt là biểu hiện vận may, nhưng không nên trồng quá sát nhà.
Đặc biệt không để cây to án ngữ cửa sổ, ngăn cản luồng vượng khí vào nhà.
Trường hợp cây to quá gần cửa sổ, phải thường xuyên cắt tỉa làm tán cây bớt rậm rạp, không che lấp tầm nhìn.
Phong thuỷ trước kia chú trọng về các yếu tố đất đai, hình sông, thế núi. Nhưng giờ đây, điều kiện đất đai càng ngày càng khan hiếm, không phải lúc nào cũng tìm được vị trí thuận lợi. Do đó, phong thuỷ chủ yếu nhằm điều chỉnh các yếu tố nội thất, để bổ sung các khiếm khuyết của mảnh đất. Các yếu tố ngoại cảnh như trên đây chỉ còn đóng vai trò thứ yếu.
CÁC YẾU TỐ NỘI THẤT
Phong thuỷ hiện đại là cách thức tạo điều kiện cho chúng ta có mối liên hệ với các mùa, vạn vật và cuộc sống tự nhiên hơn mà vẫn không cách ly cuộc sống hiện đại.
Khi dòng khí bị ngưng đọng, hãy tìm cách khuấy động bằng các vật trang trí treo như phong linh, cờ, các dải lụa, hay các đồ chơi của trẻ em.
Khi dòng khí suy kiệt cần phải đưa những vật thể sống vào trong phòng như cây cảnh hay cá cảnh.
Tiếng đồng hồ kêu tích tắc cũng là những âm thanh đem lại cảm giác bình ổn. Sáo tre là vật trang trí đẹp, đồng thời là biểu tượng của những âm thanh vui vẻ, tràn đầy sinh khí.
Lò sưởi cũng là phương thức tạo sự chuyển động và cảm giác ấm áp. Về mùa hè, bạn có thể coi chiếc lò sưởi như là phương tiện thông gió qua các tầng lên cao, làm thay đổi dòng khí trong phòng.
Phong thuỷ quan niệm vị trí phòng ngủ của chủ nhà đặc biệt tốt khi ở sau trung tâm nhà.
Người chủ nhà ở đó sẽ kiểm soát được tối đa vận mệnh của mình. Phòng ngủ càng gần cửa trước càng cảm thấy kém bình an.
Điều này cũng hợp lý vì mặt trước nhà ở gần đường, là nơi nhiều yếu tố bất an như trộm cắp, bụi bặm, ô nhiễm, tiếng ồn, càng gần với nó con người càng có tâm lý bất ổn.
Trong phòng ngủ, giường nằm không nên kê đối diện với cửa sổ, đặc biệt tránh nằm thẳng hàng với hai cửa đi. Chiếc giường lúc đó sẽ như một vật cản ngăn chặn dòng khí, khiến khí không được lưu thông mà sẽ luẩn quẩn trong nhà.
Không nên đặt giường ngủ dưới vị trí dầm. Giường cũng không nên đối diện với tấm gương lớn gây ảnh hưởng đến tinh thần.
Tối kỵ đặt hai tấm gương đối diện nhau (kiểu hiệu cắt tóc, nhà tập thể thao, sàn tập múa) không tạo được cảm giác phòng rộng mà còn gây chóng mặt, khó chịu.
Giường nên đặt ở vị trí nhìn thấy cửa ra vào, tốt nhất là tạo với cửa một đường chéo. Điều này tạo sự thuận lợi cho tầm quan sát của người nằm trên giường, không bị ảnh hưởng xấu bởi các tác động bên ngoài.
Cách bố trí này cũng tránh cho người nằm không bị gió lùa đột ngột mỗi khi mở cửa phòng. Gầm giường nên sạch sẽ, không chứa các vật dụng cũ nát.
Phòng ngủ tốt không nên dùng làm nơi làm việc hay học tập. Nếu không tránh được, bạn hãy tìm cách che khuất một trong hai vị trí.
Phòng ăn và Bếp
Cửa
Giếng Trời
Trong các nhà ống hiện nay, thường phải bố trí khoảng giếng trời , tức là khoảng đất lộ thiên ở giữa nhà để thông thoáng và lấy ánh sáng.
Vị trí này thường được kết hợp với khu cầu thang, quen gọi là tum thang. Theo phong thuỷ, thiên tỉnh (giếng trời) không nên làm quá sâu, quá dài mà nên tạo thành hình vuông vức như bàn cờ.
Không nên bố trí bể nước ở đây, cũng không xếp gạch đá lung tung, bên trên cũng không được làm kín như đổ mái, hay cất nhà.
Xét thấy giếng trời là nơi cần hết sức thông thoáng, nên hình vuông là hình dạng lợi nhất cho sự lưu thông khối khí. Còn việc bố trí gọn gàng, vệ sinh, không được che chắn kín cũng là điều dễ hiểu.
Cầu Thang
Ngày nay, trong ngôi nhà hiện đại, cầu thang chiếm một vị trí quan trọng thì trước kia, thuật phong thuỷ cũng đã có ghi nhận vai trò của nó.
Cửa đóng nhiệm vụ dẫn khí lưu thông giữa các phòng theo chiều ngang thì cầu thang có vai trò dẫn khí lưu thông giữa các tầng theo chiều đứng.
Cầu thang phải sáng sủa, rộng rãi, thoáng khí, đi lại thoải mái, không nên chạy thẳng hướng ra cửa chính.
Quan niệm phong thuỷ cho rằng sẽ làm thất thoát tiền bạc và vượng khí trong nhà. Cầu thang uốn hình cánh cung tạo sự mềm mại, giúp dòng khí lưu chuyển dễ dàng